Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Để thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, du lịch và dịch vụ, phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút dòng vốn FDI, Luật Nhà ở mới nhất số 27/2023/QH15 được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 27/11/2023 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở với các điều kiện được mở rộng về phạm vi, đối tượng, loại nhà, số lượng nhà ở được mua …

 

Cụ thể, Điều 17 Luật Nhà ở 2023 quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và hình thức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

 

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan: được sở hữu nhà ở thông qua việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam; Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

 

Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 Luật Nhà ở 2023. Hoặc mua, thuê mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở ...

 

Theo quy định mới, với một tòa nhà chung cư (kể cả nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp), tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của tòa nhà đó.

 

Trường hợp tòa nhà chung cư có nhiều đơn nguyên hoặc nhiều khối nhà cùng chung khối đế, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của mỗi đơn nguyên, mỗi khối nhà.

 

Với nhà ở riêng lẻ mà trên một khu vực có số dân quy định nếu chỉ có 1 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu số lượng nhà ở không vượt quá 250 căn nhà.

 

Trường hợp khu vực quy định tại điểm này có từ 2 dự án đầu tư xây dựng nhà ở trở lên thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại tất cả các dự án nhưng không vượt quá 250 căn nhà. Trường hợp trên một khu vực có số dân quy định có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu đủ số lượng nhà ở riêng lẻ theo quy định thì tổ chức, cá nhân nước ngoài không được sở hữu thêm nhà riêng lẻ tại các dự án khác của khu vực này.

 

 

 


1 toà nhà chung cư không được phép bán quá 30% số căn hộ cho người nước ngoài.

 

 

Căn cứ theo Nghị định 95/2024/NĐ-CP được Chính Phủ Việt Nam ban hành ngày 24 tháng 7 năm 2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở 2023 quy định trước khi hết hạn sở hữu nhà ở tối thiểu 3 tháng, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu gia hạn thêm thời hạn sở hữu nhà ở thì gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến 1 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở để được xem xét, giải quyết.

 

Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 điều này, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ. Nếu vẫn đáp ứng đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở thì có văn bản chấp thuận gia hạn một lần thời hạn sở hữu nhà ở theo đề nghị của chủ sở hữu những tối đa là 50 năm, kể từ khi hết hạn sở hữu nhà ở lần đầu ghi trên giấy chứng nhận.

 

 

NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI ĐẾN VIỆT NAM NGÀY CÀNG TĂNG

 

Quá trình toàn cầu hóa đã và đang tạo ra dòng dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là nơi cung cấp nguồn cung lao động di cư quốc tế, nhưng cũng là điểm đến của nhiều lao động từ các quốc gia trên thế giới.

 

Xu hướng lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng ngày càng tăng lên khi Việt Nam ngày càng mở rộng kinh tế đối ngoại thông qua các hiệp ước thương mại với các tổ chức, quốc gia, cộng đồng. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính hết năm 2023, có khoảng 136.800 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trong đó, có hơn 10.000 người không thuộc diện cấp giấy phép lao động, gần 126.000 người thuộc diện cấp giấy phép.

 

Lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng. Theo đó, nhu cầu về sở hữu nhà ở, kể cả nhu cầu đầu tư bất động sản nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài cũng tăng lên.

 

Theo đó, nhu cầu mua nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam cũng đang tăng. Chính sách cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong nước đã được quy định trong Nghị quyết số 19 năm 2008 của Quốc hội. Nhưng chỉ từ khi Luật Nhà ở 2014 bổ sung quy định điều kiện cụ thể thì số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam mới được cải thiện.

 

Tính đến hết quý 3/2023, sau hơn 8 năm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, đã có hơn 3.035 người nước ngoài đã mua nhà chung cư tại Việt Nam, chủ yếu là các căn hộ tại các dự án ở các tỉnh, thành phố lớn. Trong đó, Hà Nội chiếm hơn phân nửa với 1.765 căn, TP.HCM 850 căn, Bắc Ninh 110 căn, Bình Dương 210 căn, Bà Rịa - Vũng Tàu 50 căn... Phần lớn người mua đến từ Trung Quốc (đại lục), Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia sau đó là châu Âu, Mỹ. Nửa đầu năm 2024, người nước ngoài đã mua hơn 1.000 căn hộ tại Hà Nội, theo thống kê của Bộ Xây dựng.

 

Về nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Xây dựng Việt Nam ước tính có gần 4 triệu người nước ngoài và Việt kiều có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam.  

 

 

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Go Top
0909 708 227