Xét theo từng khu vực, nông lâm thuỷ sản tăng 3,74%; công nghiệp và xây dựng tăng 12,92%; thương mại dịch vụ tăng 8,37%. Khu vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (64%) trong cơ cấu nền kinh tế TP HCM năm nay, tiếp đến là công nghiệp và xây dựng (hơn 22%) và nông lâm thuỷ sản (0,6%).
Hai khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất đều có kết quả tăng trưởng cao. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn một triệu tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,9%.
Về lạm phát, CPI bình quân năm nay tăng 2,73% so với năm trước. Tính từ đầu năm đến ngày 20/12, toàn thành phố có 44.369 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 472.559 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 42% và giảm 4,9%.
Vốn FDI đạt 3,94 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước tăng 5,1%.
Dù bức tranh cả năm tích cực, đã có một số tín hiệu thách thức xuất hiện vào cuối năm và có khả năng còn hiện hữu đầu năm sau. CPI tháng 12 giảm nhẹ 0,07% so với tháng 11 nhưng so với cùng kỳ 2021 vẫn tăng 4,92%, với 10/11 nhóm hàng tăng giá. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tiêu dùng nội địa.
Tính riêng quý IV, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 285.574 tỷ đồng, tăng 2,2% so với quý III và tăng 46,1% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, do thu nhập của người dân vẫn chưa ổn định nên có tâm lý thắt chặt chi tiêu. Thị trường mua sắm, tiêu thụ hàng hóa vào tháng giáp Tết chưa sôi động như thời điểm trước dịch, theo Cục Thống kê TP HCM.
Liên quan hoạt động sản xuất công nghiệp của quý IV so với quý III, kết quả điều tra của cơ quan này cho biết 25,5% nhận định tình hình kinh doanh tốt lên; 29,5% giữ ổn định và 45% khó khăn hơn. Còn dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I so với quý cuối năm nay, có 22,3% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 31,5% giữ ổn định và 46,2% khó khăn hơn